THỰC PHẨM TỰ NHIÊN VÀ THỰC PHẨM HỮU CƠ CÓ GÌ KHÁC NHAU?
Thực phẩm tự nhiên "Natural food” và thực phẩm hữu cơ "Organic food" là những cụm từ thường thấy được in trên thực phẩm, nhưng chúng có thể dễ gây nhầm lẫn. Bao bì ghi "Natural" thì khá dễ hiểu, nhưng lại khá mơ hồ. Bao bì ghi "hữu cơ" thì ý nghĩa của nó phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) vẫn có định nghĩa cụ thể cho từng thuật ngữ.
I. Nhãn ghi “Natural” có nghĩa là gì?
Để một sản phẩm có nhãn "Natural", sản phẩm đó không được chứa các thành phần nhân tạo hoặc chứa phẩm màu và chỉ được qua các bước sơ chế tối thiểu, theo USDA. Chế biến ít nghĩa là một sản phẩm thực phẩm được chế biến theo cách không làm thay đổi quá nhiều bản chất của thực phẩm. Ngoài ra, một sản phẩm thực phẩm tự nhiên cũng phải ghi chú giải thích ý nghĩa của từ "Natural" được in trên sản phẩm, chẳng hạn như "không phẩm màu," "không có các thành phần nhân tạo" hoặc "chế biến ít".
“Tuy nhiên, vì định nghĩa đó được cho là mơ hồ và không đề cập đến các phương pháp chế biến hoặc sản xuất thực phẩm, nên nó đặt ra câu hỏi liệu thuật ngữ này có phù hợp với hàng thực phẩm hay không, liệu nó có quá mơ hồ để gây ra hiểu lầm hoặc đã đủ rõ ràng để hiểu đúng", Tiến sĩ Leah Holbrook - điều phối viên của các chương trình dinh dưỡng sau đại học tại Bệnh viện và Trung tâm Y tế Đại học Stony Brook cho biết.
Nhãn thực phẩm có ghi "Natural"
II. Nhãn ghi “Organic” có nghĩa là gì?
Định nghĩa của hữu cơ thì chặt chẽ hơn nhiều. Để thực phẩm được gắn nhãn "Organic", nó phải được sản xuất thông qua các phương pháp được quy định. Theo một ấn phẩm của USDA, các phương pháp "tích hợp giữa phương pháp canh tác truyền thống, cùng với phương pháp sinh học và cơ học thúc đẩy chu trình tái tạo tài nguyên, thúc đẩy cân bằng sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Phân bón tổng hợp, bùn thải, kỹ thuật chiếu xạ và di truyền không được sử dụng." "Theo định nghĩa, thực phẩm hữu cơ đã không được sử dụng thuốc trừ sâu tổng hợp hoặc phân bón, và động vật được nuôi hữu cơ không được tiêm hormone hoặc thuốc thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn. Ngoài ra, các sinh vật biến đổi gen không được phép nuôi trong bất kỳ trang trại hữu cơ nào", Holbrook nói.
Hơn thế nữa, việc sử dụng nhãn hữu cơ yêu cầu phải có chứng nhận hữu cơ của USDA. "Hữu cơ là chứng nhận có hệ thống kiểm soát chặt chẽ nhất", Jaclyn Bowen, giám đốc của QAI (Quality Assurance International), một bộ phận của NSF International, một cơ quan chứng nhận sản phẩm hữu cơ được USDA công nhận tại San Diego, California, cho biết. QAI và các thanh tra viên của họ có nhiệm vụ kiểm soát tính toàn vẹn hữu cơ trong cả quá trình, từ nơi sản phẩm được trồng đến các cơ sở sau thu hoạch và nhà máy chế biến đến các cửa hàng bán lẻ. Bowen nói với Live Science: "Các nhà sản xuất và chế biến hữu cơ cũng phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt - và không báo trước – được giám sát bởi các thanh tra viên bên thứ ba để đảm bảo rằng họ đang sản xuất và chế biến các sản phẩm hữu cơ theo cách mà bạn và gia đình bạn có thể tin tưởng".
Nhãn thực phẩm có ghi "Organic"
Một nhãn thực phẩm được in nhãn "Organic" nếu sản phẩm chứa tối thiểu 95 phần trăm thành phần hữu cơ. Điều này có nghĩa là có thể có 5% thành phần là các sản phẩm nông nghiệp không hữu cơ không có sẵn trên thị trường dưới dạng sản phẩm hữu cơ hoặc phi nông nghiệp trong danh sách được USDA phê duyệt. Thực phẩm có ghi "Được làm bằng các thành phần hữu cơ" phải chứa ít nhất 70 phần trăm thành phần sản xuất là phần hữu.
Để sản phẩm được dán nhãn "100% hữu cơ", USDA tuyên bố rằng sản phẩm đó phải đáp ứng các tiêu chí sau:
- Tất cả các thành phần phải được chứng nhận hữu cơ.
- Bất kỳ chất chế biến thực phẩm nào đều phải là hữu cơ.
- Nhãn sản phẩm phải ghi tên của tổ chức được cấp phép chứng nhận hữu cơ trên bảng thông tin in trên sản phẩm. Phần lớn các sản phẩm nông sản thô, chưa qua chế biến có thể được chỉ định là "100% hữu cơ" vì sản phẩm không có thành phần bổ sung. Các sản phẩm nông nghiệp không có thành phần thêm vào, như bột và yến mạch, cũng có thể được dán nhãn "100% hữu cơ".
III. Thực phẩm có thể vừa “Organic” và “Natural”?
Thực phẩm có thể có cả hai định nghĩa trên, nhưng một mặt hàng thực phẩm tự nhiên không nhất thiết phải là hữu cơ, và ngược lại. "Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người tiêu dùng hiểu sai ý nghĩa thực sự của cả hai thuật ngữ này, nhưng sự hiểu lầm dường như là lớn nhất đối với thuật ngữ 'tự nhiên', vì người tiêu dùng thường tin rằng thực phẩm được dán nhãn 'tự nhiên' có nhiều đặc điểm của thực phẩm 'hữu cơ' , thường không phải như vậy, "Messer nói.
Phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm tự nhiên
Thực phẩm hữu cơ được sản xuất và xử lý đáp ứng được các tiêu chuẩn hữu cơ USDA. Mặt khác, thực phẩm tự nhiên thường được chế biến ít nhất có thể mà không làm thay đổi bản chất sản phẩm.
Bowen nói: "Không giống như "Natural", chỉ "Organic" mới được chính phủ kiểm soát để đảm bảo các sản phẩm được trồng và chế biến mà không sử dụng các hóa chất độc hại, kháng sinh và hormone tăng trưởng tổng hợp". "Thật không may, thực phẩm tự nhiên "Natural" không có nghĩa là thực phẩm hữu cơ "Organic" và không có chứng nhận gì bảo đảm."
IV. Lợi ích của thực phẩm tự nhiên và hữu cơ
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn thực phẩm tự nhiên, không có thuốc trừ sâu là tốt cho sức khỏe, nhưng đó mới chỉ là các nghiên cứu ngắn hạn, các nghiên cứu dài hạn về lợi ích của thực phẩm tự nhiên ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì chưa có. Một nghiên cứu cho thấy những người ăn các sản phẩm hữu cơ có hàm lượng thuốc trừ sâu thấp hơn trong cơ thể của họ. Thực phẩm nguyên chất và chứa ít muối, đường và chất bảo quản cũng đã được chứng minh là lành mạnh hơn, không có nhiều nghiên cứu về định nghĩa chính xác của thuật ngữ "Natural".
Một số điều người tiêu dùng nên biết về thực phẩm hữu cơ là gì? Holbrook cung cấp danh sách này như một vài điều mà người tiêu dùng nên xem xét khi nói đến thực phẩm hữu cơ:
- Thực phẩm được trồng hữu cơ không phải lúc nào cũng là thực phẩm lành mạnh. Ví dụ, đường nên được giới hạn trong chế độ ăn uống của một người, và lượng calo tổng cần phải phù hợp với giới tính, chiều cao và cân nặng, tuổi tác và mức độ hoạt động của một người. Đồ ăn nhẹ hữu cơ, chẳng hạn như bánh quy, kẹo, khoai tây chiên, thanh ngũ cốc và nước trái cây, không phải là những mặt hàng nên được tiêu thụ thường xuyên hoặc được coi là mặt hàng thực phẩm lành mạnh.
- Thịt từ động vật và gia cầm được nuôi hữu cơ đúng là sản phẩm hữu cơ, nhưng vẫn có những hiểu lầm ở đây. Ví dụ, thịt đỏ và thịt gia cầm được dán nhãn hữu cơ không có nghĩa là động vật được chăn thả, hay còn hiểu là cho động vật ăn cỏ từ tự nhiên (ăn cỏ và thức ăn gia súc, chế độ ăn truyền thống từ xa xưa cho gia súc). Thay vào đó, một động vật hữu cơ có thể đã được nuôi dưỡng bằng chế độ ăn ngũ cốc hữu cơ (một loại chế độ ăn thông thường hiện nay cho gia súc). Chế độ cho ăn cỏ từ tự nhiên có lợi thế là thịt cho ra có cấu tạo chất béo tốt hơn thịt của động vật được nuôi thông thường. Mặc dù bạn có thể hiểu việc chăn thả động vật ăn cỏ từ tự nhiên và hữu cơ thường đi đôi với nhau, nhưng người tiêu dùng thường nhầm lẫn thịt hữu cơ có nghĩa là thịt của động vật được chăn thả cho ăn bên ngoài trên đồng cỏ.
- Nhiều người tiêu dùng bị thu hút bởi sản phẩm thực phẩm hữu cơ cũng có thể là những người quan tâm rất nhiều đến việc hỗ trợ nông dân địa phương. Thực phẩm hữu cơ thường được trồng ở nơi xa hàng ngàn dặm so với nơi chúng được bán ra. Điều này ảnh hưởng đến môi trường do việc vận chuyển đi xa và có thể làm cạn kiệt chất dinh dưỡng khi thực phẩm do vận chuyển với thời gian dài dưới sự tác động nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm. Vì vậy, một số người có thể thích thực phẩm được trồng tại địa phương (ngay cả khi nó không chứa con dấu hữu cơ) hơn thực phẩm hữu cơ được trồng ở các quốc gia khác. Mẹo: Gợi ý nông dân địa phương về việc sử dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường; có thể nhiều nông dân cũng đã thực hiện nhưng không có chứng nhận hữu cơ từ USDA do các chi phí liên quan. Theo USDA, các nhà sản xuất tiêu thụ sản phẩm hữu cơ có trị giá dưới 5.000 đô la mỗi năm không bắt buộc phải xin chứng nhận hữu cơ, nhưng vẫn phải tuân thủ các yêu cầu xử lý và sản xuất hữu cơ.
Hiểu rõ về định nghĩa của nhãn ghi "Natural" và "Organic" được in trên sản phẩm giúp người tiêu dùng sáng suốt hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe bản thân và gia đình. Hơn thế nữa, tránh việc nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này mang đến nhận thức rõ hơn về khái niệm về các thông tin trên bao bì sản phẩm.