CHẾ ĐỘ ĂN THỰC DƯỠNG: LỢI ÍCH VÀ TÁC HẠI
Chế độ ăn thực dưỡng đã và đang được rất nhiều người quan tâm và áp dụng vì nhiều thông tin cho rằng chế độ này giúp chữa bệnh và tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, thật chất chế độ ăn thực dưỡng chỉ ăn gạo lứt và uống nước lọc có thực sự tốt như nhiều người đồn thổi, và ai cũng có thể áp dụng chế độ ăn này?
I. Chế độ ăn thực dưỡng
1. Chế độ ăn thực dưỡng là gì?
Chế độ ăn thực dưỡng xuất phát dựa vào luật Âm – Dương để cân bằng thành phần thực phẩm trong bữa ăn kết hợp sử dụng các dụng cụ nấu nướng thức ăn bao gồm 2 thành phần thức ăn chính là gạo lứt và nước lọc. Quy tắc chính của chế độ ăn này là giảm tối đa ăn thịt động vật, sử dụng các thực phẩm có sẵn theo mùa được trồng tại địa phương và lượng thức ăn tiêu thụ hằng ngày ở mức hợp lý và vừa phải. Chế độ ăn này trở nên phổ biến bởi George Ohsawa vào những năm 1930 ở Nhật Bản.
2. Các thực phẩm được khuyến khích trong chế độ ăn thực dưỡng
Thực dưỡng khuyến khích ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt được trồng tại địa phương, đậu, rau củ, các loại rong biển ăn được, các sản phẩm từ đậu nành lên men và trái cây kết hợp thành các bữa ăn theo nguyên tắc cân bằng của Trung Quốc cổ đại theo quy tắc Âm - Dương. Ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm của ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt (gạo đỏ hoặc gạo nâu) và sợi mì kiều mạch của Nhật Bản (soba), nhiều loại rau củ nấu chín và rau sống, đậu và các sản phẩm từ đậu, gia vị tự nhiên nhẹ, cá, các loại quả cứng và hạt, đồ uống nhẹ (không chứa chất kích thích) như trà bancha, và trái cây được khuyến khích dùng.
Một ví dụ về khẩu phần ăn thực dưỡng Nhật Bản (chế độ ăn này chỉ mang tính chất tham khảo, chế độ ăn thực dưỡng ở mỗi nơi có thể khác rất nhiều, phụ thuộc vào địa lý và cuộc sống của mỗi người):
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt, đặc biệt là gạo lứt: 40–60%
- Rau củ: 25–30%
- Đậu và các cây họ đậu: 5–10%
- Súp miso: 5%
- Rong biển: 5%
- Thực phẩm được chế biến theo cách truyền thống hoặc tự nhiên: 5–10%
Cá và hải sản, các loại hạt, hạt nhỏ (seed) và bơ hạt tách vỏ, gia vị, chất làm ngọt, trái cây và đồ uống đôi khi có thể được sử dụng, hai đến ba lần mỗi tuần. Các sản phẩm động vật được nuôi lớn lên trong tự nhiên cũng có thể được kết hợp trong chế độ ăn nếu cần thiết trong quá trình chuyển đổi giữa các chế độ ăn uống hoặc theo nhu cầu của mỗi cá nhân.
Dụng cụ nấu ăn nên được làm từ một số vật liệu như gỗ hoặc thủy tinh, trong khi một số vật liệu bao gồm nhựa, đồng và các lớp chống dính không được khuyên dùng, và lò nướng điện cũng không được khuyên dùng vậy.
II. Lợi ích và tác hại của chế độ ăn thực dưỡng
1. Lợi ích của chế độ ăn thực dưỡng
Chế độ ăn thực dưỡng khuyến khích ăn nhiều rau củ giúp cơ thể hấp thụ được nhiều chất xơ, các chất khoáng và vitamin không có nhiều trong động vật. Ăn nhiều rau củ, chất xơ giúp chống táo bón, giảm cholesterol, giảm thèm ăn, tránh được béo phì, làm giảm triglyceride và mỡ xấu. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người trưởng thành nên ăn nhiều rau củ, các thực phẩm chứa nhiều chất xơ hoặc ăn chay ít nhất một ngày trong tuần để thanh lọc cơ thể, tránh bệnh tật, giúp tâm hồn thư thái, tinh thần nhẹ nhõm.
2. Tác hại khi áp dụng chế độ ăn thực dưỡng không đúng cách
Ở những phiên bản sơ khai, chế độ ăn thực dưỡng chỉ khuyến khích ăn gạo lứt và uống nước. Nếu thực hành theo chế độ này, người ăn sẽ thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng và thậm chí có thể gây tử vong. Gạo lứt cũng chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, vẫn rất cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác như các nhóm thức ăn giàu protit, lipit, rau củ quả khác để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Ăn nhiều rau củ nhưng thiếu thịt cá, cơ thể sẽ bị thiếu một số chất khoáng như sắt, kẽm, can xi, vitamin B12... dễ có nguy cơ thiếu máu. Đối với người lớn tuổi, những người cần một số chất dinh dưỡng có trong thịt cá để duy trì sức khỏe thì việc theo chế độ ăn thực dưỡng không phải là lựa chọn an toàn cho sức khỏe.
Nhất là những người bị các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường chỉ nên áp dụng chế độ ăn thực dưỡng khi được lên kế hoạch cẩn thận từ các bác sĩ theo dõi. Tình trạng có thể nguy hiểm hơn đối với những người bị bệnh ung thư, họ có thể đối mặt với việc sụt cân, thiếu hụt nghiêm trọng dinh dưỡng và calo cần thiết.